Tính theo chu kỳ ra hoa của hoa hồng thì dưới đây sẽ là thời điểm cắt tỉa hoa hồng để kịp đón Tết phù hợp với từng vùng. Tuy nhiên, để hoa nở đúng mong muốn, bạn cũng cần phải theo dõi điều kiện thời tiết nơi mình sinh sống như nhiệt độ hay ánh sáng cũng có ảnh hưởng lớn đến quá trình ra hoa. Nếu thời tiết nắng nóng thì cây hoa sẽ phát triển nhanh hơn và nhanh tàn hơn. Còn nếu thời tiết lạnh, thì cây sẽ phát triển chậm hơn.
Ở khu vực Bắc Bộ
Thời tiết ở các tỉnh miền Bắc vào dịp Tết thường là mùa đông, trời lạnh, nền nhiệt giao động ở khoảng 12 – 15 độ C. Những ngày thời tiết ấm hơn cũng chỉ khoảng 20 độ C. Do đó, thời gian bật mầm và nở hoa của cây sẽ biểu hiện khác biệt trong khoảng 2 tuần.
Sau khi cắt tỉa 7 – 10 ngày, cây bắt đầu đâm chồi
Sau khi cắt tỉa 15 – 28 ngày, cây bắt đầu đóng nụ
Sau khi cắt tỉa 35 – 40 ngày, cây bắt đầu nở hoa
Nếu thời tiết mùa đông ở miền Bắc vẫn lạnh như mọi năm thì khoảng 1,5 tháng sau khi cắt tỉa hoa hồng thì hoa mới bắt đầu nở rộ. Do đó, bạn nên cắt tỉa hoa vào khoảng tuần thứ 2 tháng 12 dương lịch để hoa hồng kịp nở đón Tết.
Ở khu vực Trung Bộ và Nam Bộ
Vì đặc điểm thời tiết ở miền Trung và miền Nam có nét tương đồng, mùa đông không quá lạnh nên lịch cắt tỉa hoa hồng ở hai khu vực này có thể xác định như sau:
Sau khi cắt tỉa 4 – 7 ngày, cây bắt đầu đâm chồi
Sau khi cắt tỉa 12 – 18 ngày, cây bắt đầu đóng nụ
Sau khi cắt tỉa 22 – 28 ngày, cây bắt đầu nở hoa
Tóm lại, với điều kiện thời tiết ấm áp ở miền Trung hay miền Nam thì cây hoa hồng sẽ mất khoảng 1 tháng sau khi cắt tỉa để hoa nở. Vì thế, để hoa nở đúng dịp Tết, bạn nên thực hiện cắt tỉa vào khoảng tuần cuối tháng 12 dương lịch
Các bước cắt tỉa hoa hồng đúng cách
Những phần cần cắt tỉa trên cây hoa hồng là những phần như cành nhỏ kém phát triển, nhánh phụ, cành chết, cành khô, cành sâu bệnh,… Đối với những cành già, không thể ra hoa được nữa cũng cần được cắt tỉa để dồn dinh dưỡng nuôi những nhánh non. Bên cạnh đó, khi cắt tỉa hoa hồng, bạn cũng cần tỉa bớt những cành vươn cao, thẳng đứng, những cành mọc so le mất thẩm mỹ.
Bước 1: Cắt tỉa từ phần gốc trước
Trước khi thực hiện các công đoạn cắt tỉa hoa hồng, bạn cần quan sát cây một lượt từ gốc đến ngọn để kiểm tra và nắm bắt sơ bộ tình trạng sức khỏe của cây. Sau đó thực hiện cắt tỉa những tán cây, cành cây, lá cây đã chết ở phần gốc trước để giảm bớt số lượng cành lá, tạo điều kiện tốt nhất cho cây hấp thụ ánh sáng mặt trời và không khí cho phần gốc.
Bước 2: Loại bỏ cành sâu bệnh, cành bị gãy
Đối với những cành bị gãy, cành bị sâu bệnh thì nên cắt bỏ, chỉ cần chừa lại đoạn thân vẫn còn màu xanh khỏe mạnh là được. Khi cắt tỉa hoa hồng, nên cắt một góc 45 độ và cẩn thận để lộ phần thịt trắng bên trong của cành. Nếu phần thịt này không trắng, thì tiếp tục cắt sâu hơn cho đến khi cành cây đó lộ phần thịt trắng ra thì thôi.
Bước 3: Cắt tỉa cành nhỏ, cành yếu
Trong quá trình cắt tỉa hoa hồng, hãy quan sát để nhận biết và cắt bỏ những cành có kích thước nhỏ hơn cái bút chì. Thường thì những cành nhỏ như thế nếu giữ lại chỉ làm cho cây thêm um tùm. Hơn nữa, hoa của những cành ấy cũng rất nhỏ, màu sắc không tươi tắn và không đảm bảo chất lượng. Vì thế, tốt nhất nên tỉa bớt để dinh dưỡng được tập trung nuôi dưỡng cho những cành lớn hơn, khỏe mạnh hơn.
Bước 4: Cắt tỉa cành non và mầm cây mọc dưới mắt ghép
Với những mầm cây hay cành non mọc ra từ dưới mắt ghép, bạn nên cắt tỉa. Bởi vì dinh dưỡng đang tập trung nuôi cây mới ở mắt ghép, nên những cành non mọc ra từ khu vực này thường sẽ phát triển kém và không thể ra hoa. Do đó, khi cắt tỉa hoa hồng, bạn nên cắt tỉa bớt các mầm non này để việc nuôi cành ghép không bị cản trở.
Bước 5: Cắt tỉa bớt những cành non
Trong quá trình cắt tỉa hoa hồng, bạn nên định hình sao cho bụi hồng của mình được đẹp mắt và gọn gàng. Nếu xuất hiện những cành non vươn ra khỏi khuôn đã định thì nên cắt bỏ, cắt tại vị trí trên tầm mắt khoảng 0,5cm.
Chăm sóc hoa hồng sau khi cắt tỉa để kịp đón Tết
Sau khi thực hiện quá trình cắt tỉa hoa hồng, cây sẽ mất đi khá nhiều cành và lá nên khả năng quang hợp cũng bị hạn chế đi phần nào. Đây cũng chính là lý do mà cây cần được chăm sóc cẩn thận sau mỗi lần cắt tỉa để không gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây. Cụ thể như sau:
- Bón phân kích chồi, kích mầm sau khi cắt tỉa hoa hồng
- Bón phân nuôi dưỡng mầm và nụ hoa
- Duy trì lượng dinh dưỡng ổn định sau khi cắt tỉa hoa hồng bằng những loại phân bón giải phóng chậm
- Ngăn ngừa và phòng trừ sự tấn công của sâu bệnh gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển và nở hoa.
Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc cây hoa hồng, bạn cũng có thể tham khảo một số mẹo sau đây:
- Không nên lạm dụng phân đạm
- Dùng nguồn nước sạch để tưới cây
- Không tưới cây vào buổi chiều tối vì sẽ làm đọng nước trên lá
- Nên vệ sinh, dọn dẹp khu vực trồng cây thường xuyên
- Cách ly cây bệnh ngay khi phát hiện
- Thường xuyên tưới nước cho cây vào những ngày nắng nóng
Xem thêm các loài Hoa Hồng khác tại: Hoa Hồng Ngoại
♥️ Fanpage: Fb/happytrees.vn/
1.Combo Thuốc trị bệnh cho hoa hồng Link
2. Phân bón lá Rosecare giúp Nhanh bén rễ, Ra chồi,chồi dài, mập chồi và hoa nở to Link